Chiến tranh La Mã-Parthia Chiến_tranh_La_Mã-Ba_Tư

Các cuộc chiến giữa nền Cộng hòa La Mã với đế quốc Parthia

Một đầu chạm khắc (vỡ ra từ một bức tượng lớn hơn) của một người lính Parthia đội mũ phong cách Hy Lạp. Khai quật từ dinh thự và nghĩa địa hoàng gia Parthia ở Nisa, Turkmenistan, thế kỷ thứ 2 TCN

Người Parthia bắt đầu Tây tiến dưới thời vua Mithridates I và lại được tiếp tục dưới thời vua Mithridates II. Ông đã không thành công trong việc đàm phán về một liên minh La Mã-Parthia với Lucius Cornelius Sulla (kh. 105 TCN).[5] Khi tướng La Mã Lucullus xâm chiếm miền Nam Armenia và chỉ huy một cuộc tấn công chống lại Tigranes năm 69 TCN, ông đã có thư từ qua lại với nhà vua Phraates III để ngăn cản ông này can thiệp. Mặc dù người Parthia vẫn giữ thái độ trung lập, Lucullus đã lên kế hoạch để tấn công họ.[6] Trong những năm 66-65 TCN, Pompey đã đạt được thỏa thuận với vua Phraates và người La Mã liên quân với Parthia để cùng xâm lược xứ Armenia. Tuy nhiên, tranh chấp về đường ranh giới ở Euphrates đã phát sinh ngay sau đó. Cuối cùng vua Phraates đã khẳng định quyền kiểm soát vùng Lưỡng Hà của mình, ngoại trừ các quận ở phía tây của Osroene, vùng đất vốn đã lệ thuộc La Mã.[7]

Vào năm 53 TCN, Tướng La Mã Marcus Licinius Crassus đã tiến hành một cuộc xâm lược vào vùng Lưỡng Hà nhưng điều này đã đem đến một kết quả thảm khốc, ông và con trai ông – Publius, đã vong mạng tại Trận Carrhae trước quân Parthia do tướng Surena chỉ huy. Đây là thất bại tồi tệ nhất của người La Mã kể từ sau Trận Cannae trước Hannibal.[8] Người Parthia đột kích vào Syria ngay trong năm sau và huy động một cuộc tấn công lớn trong năm 51 TCN, nhưng quân đội của họ đã bị người La Mã chặn lại và đẩy lui trong một cuộc phục kích ở gần Antigonea.[9]

Người Parthia chủ yếu vẫn giữ sự trung lập trong cuộc nội chiến của Caesar, cuộc chiến giữa những lực lượng ủng hộ Julius Caesar và các lực lượng ủng hộ Pompey và các phe phái truyền thống trong viện nguyên lão La Mã. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì mối quan hệ với Pompey và sau khi Pompey thất bại và chết, một đội quân dưới sự chỉ huy của Pacorus I đến tương cứu tướng Caecilius Bassus phe Pompey, người đang bị bởi lực lượng của phe Caesar bao vây tại Thung lũng Apamea. Sau khi cuộc nội chiến kết thúc, Julius Caesar đã chuẩn bị một chiến dịch nhằm chống lại người Parthia, nhưng với việc ông bị ám sát đã ngăn chặn được cuộc chiến xảy ra. Người Parthia sau đó đã hỗ trợ cho Brutus và Cassius trong suốt cuộc nội chiến của những người Giải phóng diễn ra tiếp theo sau đó và đã phái một đội quân đến để chiến đấu cùng với họ tại trận Philippi năm 42 TCN.[10] Sau thất bại của phe những người Giải phóng, người Parthia đã xâm chiếm lãnh thổ La Mã trong năm 40 trước Công nguyên cùng với một viên tướng La Mã Quintus Labienus – Một người ủng hộ Brutus và Cassius. Họ nhanh chóng tràn quân vào tỉnh Syria của La Mã và tiến vào Judaea, lật đổ nhà vua chư hầu của La Mã Hyrcanus II và đưa cháu trai của ông ta là Antigonus lên làm vua bù nhìn. Trong nháy mắt, toàn bộ phía Đông La Mã dường như đã mất hoặc sắp rơi vào tay người Parthia. Tuy nhiên, sự kết thúc của cuộc nội chiến La Mã lần thứ hai đã sớm khôi phục lại sức mạnh của La Mã ở châu Á.[11] Marcus Antonius phái Ventidius tới đánh chặn Labienus – người đã xâm chiếm bán đảo Tiểu Á. Ngay lập tức Labienus bị đẩy lui trở lại Syria bởi quân La Mã và mặc dù đã được tiếp viện bởi người Parthia, Labienus vẫn bị đánh bại, bị bắt làm tù binh và bị hành quyết sau đó. Sau khi phải chịu thêm một thất bại ở gần Hẽm Syria, người Parthia rút khỏi Syria. Họ quay trở lại trong năm 38 TCN nhưng đã bị đánh bại bởi Ventidius và Pacorus tử trận. Ở vương quốc Judaea, vua Antigonus đã bị Herod lật đổ với sự giúp đỡ của La Mã trong năm 37 TCN.[12] Sau khi người La Mã phục hồi lại quyền kiểm soát đối với Syria và Judaea, Marcus Antonius địch thân dẫn 15 vạn quân tiến vào Atropatene (Azerbaijan ngày nay). Tuy nhiên, vũ khí công thành và quân hộ tống của ông ta đã bị cô lập và bị tiêu diệt trong khi người Armenia đồng minh của ông thì bỏ chạy. Thất bại trong việc chiếm các cứ điểm của người Parthia, người La Mã bắt buộc phải rút lui với tổn thất nặng nề. Antonius lại một lần nữa quay lại Armenia vào năm 33 TCN để cùng với vua Media chống lại Octavianus và người Parthia. Những mối bận tâm khác buộc ông ta phải rút lui và toàn bộ khu vực này rơi vào kiểm soát của người Parthia.[13]

Cuộc chiến của Đế quốc La Mã với người Parthia

Bản đồ Parthia, các tiểu vương quốc của nó và các lân bang vào năm 1

Những căng thẳng giữa hai cường quốc đe dọa nổ ra một cuộc chiến tranh mới, Octavianus và vua Phraataces V cùng họp mặt để ký hoà ước trong thế kỷ 1 CN. Theo thỏa thuận, người Parthia phải rút quân ra khỏi Armenia và công nhận quyền bảo hộ de facto của người La Mã ở đó. Tuy nhiên, người La Mã và người Ba Tư liên tục cạnh tranh quyền kiểm soát và ảnh hưởng với nhau tại Armenia vài thập kỷ sau đó.[14] Quyết định đặt con trai của mình lên ngôi vua Armenia đang bị bỏ trống của vua Parthia Artabanus II đã gây ra một cuộc chiến với La Mã trong năm 36 CN, cuộc chiến chỉ kết thúc khi Artabanus tuyên bố từ bỏ ảnh hưởng của người Parthia đối với Armenia.[15] Chiến tranh lại tiếp tục nổ ra trong năm 58 CN, sau khi vua Parthia Vologases I ra sức ép để đặt người em trai là Tiridates lên ngai vàng Armenia.[16] Quân La Mã đã lật đổ Tiridates và thay thế ông ta bằng một hoàng tử người Cappadocia và tạo ra một cuộc chiến bất phân thắng bại. Cuộc chiến này chỉ kết thúc trong năm 63 TCN sau khi người La Mã đã đồng ý cho phép Tiridates và con cháu của ông ta cai trị Armenia với điều kiện họ phải chấp nhận đế quyền của hoàng đế La Mã.[17]

Một loạt các cuộc chiến mới nổ ra vào thế kỷ thứ 2. Trong các cuộc chiến đó, người La Mã luôn giữ thế thượng phong trước với người Parthia. Hoàng đế Traianus chinh phạt Armenia và Lưỡng Hà trong thời gian từ năm 114 và 115 và sáp nhập chúng như là các tỉnh của La Mã. Ông chiếm Ctesiphon – kinh đô của người Parthia, trước khi dong thuyền đến Vịnh Ba Tư.[18] Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở những lãnh thổ Parthia bị chiếm đóng vào năm 115 CN, trong khi một cuộc khởi nghĩa lớn của người Do Thái đã nổ ra trong lãnh thổ La Mã đã kéo căng nguồn lực quân sự của La Mã. Quân đội Parthia còn tấn công các vị trí quan trọng của người La Mã và các đơn vị La Mã đồn trú tại Seleucia, NisibisEdessa đều bị cư dân địa phương đuổi đánh. Traianus đem quân thảo phạt phiến quân ở Lưỡng Hà, đưa hoàng tử Parthamaspates lên làm vua chư hầu rồi rút quân và quay trở lại Syria. Traianus qua đời vào năm 117, trước khi ông có thể tổ chức và củng cố lại các tỉnh Parthia nằm dưới quyền kiểm soát của La Mã.[19]

Cuộc chiến Parthia của Traianus bắt đầu một "sự thay đổi trong trọng tâm" chiến lược lớn của đế chế La Mã. Tuy nhiên ngay sau khi lên nối ngôi Hoàng đế, Hadrianus đã cho trao trả lại vùng Lưỡng Hà cho người Parthia, vì ông cho rằng, việc tái thiết lập Euphrates làm ranh giới là vì lợi ích của La Mã. Hadrianus cho trở lại hiện trạng status quo ante bellum và trao trả các vùng lãnh thổ ở Armenia, Lưỡng Hà và Adiabene cho những nhà cai trị cùng với các vị vua chư hầu ban đầu của nó.[20]

Chiến tranh Armenia lại nổ ra vào năm 161, khi vua Vologases IV đánh bại người La Mã ở đó rồi xua quân chiếm Edessa và tàn phá Syria. Năm 163, người La Mã dưới sự chỉ huy của Statius Priscus đã phản công và đánh bại người Parthia ở Armenia và đưa một ứng cử viên mà họ ủng hộ lên ngai vàng của Armenia. Năm sau, Avidius Cassius xâm chiếm Lưỡng Hà, ông ta dành đại thắng ở Dura-Europos cùng Seleucia và cướp phá thành phố Ctesiphon vào năm 165. Một dịch bệnh, có thể là bệnh đậu mùa, đã tràn vào Parthia vào thời điểm đó, và lây lan sang cả quân đội La Mã và buộc họ phải rút quân về nước;[21] đây là nguồn gốc của đại dịch Antonine mà nó vẫn tiếp diễn trong một thế hệ tiếp theo trên khắp đế quốc La Mã. Trong những năm 195-197, Hoàng Đế Septimius Severus phát động một cuộc tấn công dẫn đến việc tái chiếm các vùng đất của La Mã ở miền bắc Lưỡng Hà tới tận các khu vực xung quanh Nisibis, Singara và cướp phá thành phố Ctesiphon lần thứ 2.[22] Một cuộc chiến cuối cùng chống lại người Parthia đã được Hoàng đế Caracalla phát động. Ông ta đã chiếm đóng thành phố Arbela trong năm 216. Sau khi ông này bị ám sát, vị Hoàng Đế tiếp theo, Macrinus, đã bị đánh bại bởi người Parthia ở gần Nisibis. Để đổi lấy một nền hòa bình, ông này phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến phí cho những thiệt hại mà Hoàng Đế Caracalla gây ra.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_La_Mã-Ba_Tư http://www.allempires.com/article/index.php?q=sass... http://www.allempires.com/article/index.php?q=war_... http://www.ancientsites.com/aw/Post/1048936 http://www.derafsh-kaviyani.com/english/sassanian.... http://www.freewebs.com/vitaphone1/history/sozomen... http://www.freewebs.com/vitaphone1/history/sozomen... http://books.google.com/books?id=d9kFAAAAQAAJ&prin... http://www.iranica.com/newsite/index.isc?Article=h... http://www.livescience.com/13113-ancient-chemical-... http://www.questia.com/library/book/the-roman-near...